—
Cả cuộc đời âm nhạc, Lam Phương viết hơn 200 ca khúc, nhạc vui không nhiều, hầu như nằm trong giai đoạn nhạc sỹ ở Pháp hay những ngày tháng ngắn ngủi ông sống hạnh phúc trong tình yêu. Còn lại, phần lớn là những ca khúc về những mộng ước dang dở, những tâm tư không thành, một nỗi buồn sầu triền miên như chính những đứt gãy trong hôn nhân và những cuộc tình buồn trong đời ông.
Giai thoại kể lại, năm 1970, Lam Phương đến Đà Lạt, cảm xúc chợt đến và ông viết “Thành phố buồn” như một sự thôi thúc trong tâm tưởng. Ca khúc không hề cầu kỳ, hoa mỹ trong khúc thức hay hòa âm, mà chỉ được viết lên rất chân phương với giai điệu Slow Rock chậm buồn đặc trưng của Bolero miền Nam thời đó, nội dung kể về mối tình dang dở của ông với một giai nhân ông đã từng yêu tha thiết
“Thành phố buồn, lắm tơ vương..
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
và con đường ngày xưa lá đổ..
Giờ không em sỏi đá u buồn..
Giờ không em hoang vắng phố phường..
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi,
quên cả tình yêu…”
Sau gần 50 năm, qua bao chìm nổi, binh biến, như một giọt buồn trong trẻo dịu dàng, “Thành phố buồn” vẫn tồn tại bền bỉ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, không phải là kí ức, mà hiện diện trong hiện tại, vẫn được nhiều thế hệ ca sỹ hát lại, làm mới, thậm chí được coi như bản “Love story” bất hủ của những người yêu nhạc trữ tình cho đến tận bây giờ.

Câu chuyện người nhạc sỹ nghèo tự đạp xe đi bán đĩa nhạc và 12 triệu đồng tiền bản quyền
Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, là con trai trưởng trong một gia đình rất nghèo tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ông có tới 6 người em và nhiều anh chị em cùng cha khác mẹ nên cuộc sống gia đình rất vất vả để mưu sinh. Chứng kiến mẹ tần tảo nuôi các anh em khôn lớn, Lam Phương rất thương mẹ, những kí ức tuổi thơ hình thành trong cậu bé một tâm hồn nhạy cảm biết yêu thương, một trái tim đa sầu đa cảm, và một khát vọng thay đổi cuộc sống để lo cho mẹ, cho các em.
Nổi tiếng với hàng trăm ca khúc cả trong và ngoài nước, Lam Phương được coi là nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với dòng nhạc tình quê hương, nhạc Bolero từ trước năm 1975 cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên ít ai biết rằng, Lam Phương là nhạc sỹ chưa từng được đi học trong trường nhạc chính thức. Cũng bởi gia đình quá nghèo, miếng ăn còn chẳng đủ, nào dám mơ gì chuyện học nhạc cao sang.
10 tuổi, Lam Phương đã phải rời xa gia đình lên Sài Gòn, tá túc tại nhà một người dì ở Tân Định để kiếm sống. Thời gian này, ông phải làm rất nhiều việc lao động tay chân, làm mướn, gánh thuê để trang trải cuộc sống. Một thời gian sau đó, ông đón mẹ và các em lên thành phố ở cùng trong một căn nhà trọ tồi tàn, trời mưa nước từ trên mái nhỏ xuống, từ cửa xối vào khổ cực vô cùng.
Nhưng cuộc sống khốn khó không làm lụi tàn đam mê âm nhạc của chàng trai trẻ Lâm Đình Phùng thời ấy. Vừa đi học vừa đi làm, kiếm được chút tiền, Lam Phương chắt bóp để dành mua những bản nhạc về hát nghêu ngao sau những giờ phút làm việc mệt nhọc. Và cũng từ hoàn cảnh đó, ông hứa với lòng mình nhất định sẽ phải thành công trong sự nghiệp để cho mẹ và các em có cuộc sống tốt hơn.

Mối lương duyên trong âm nhạc đầu tiên của Lam Phương là nhạc sỹ Hoàng Lang. Trong một lần tình cờ gặp gỡ, nhạc sỹ nhận thấy Lam Phương có tố chất âm nhạc, đam mê lớn mà nghèo nên ông dạy miễn phí căn bản nhạc lý, mà Lam Phương học một biết mười, trong những năm này, Lam Phương đã có những sáng tác chung với người thầy đầu tiên của mình là ca khúc “Chiều thu ấy” và “Lá Thư Xanh”, sau này cũng trở thành hai trong nhiều ca khúc nổi tiếng của ông với giọng ca Túy Hồng (vợ đầu tiên của nhạc sỹ Lam Phương).
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, những ca khúc đậm màu lãng mạn lâm li lại chưa đắt khách ở Sài Gòn. Không có hãng đĩa nào nhận mua ca khúc. Thất bại đầu tiên không khiến Lam Phương nản lòng, ông thậm chí còn đạp xe đi rao bán các ca khúc của mình cho các hãng đĩa. Nhận ra nhạc của mình chưa được số đông yêu thích, ông thay đổi cách viết nhạc cho phù hợp với số đông quần chúng hơn. Với Lam Phương thấy bấy giờ, gọi là làm âm nhạc vì tiền cũng đúng, mà nói rằng quyết liệt mang âm nhạc của mình đến gần với thị hiếu của khán giả, cũng đúng!
Trong suốt những năm 50, 60 thời ấy, ông sáng tác liên tục những ca khúc bắt nhịp được với thị trường nhiều hơn như “Kiếp Nghèo”, “Duyên kiếp”, “Chuyến đò vĩ tuyến”… và dần dần, ca khúc của ông được nhiều nghệ sỹ nổi tiếng biết đến và thu âm.
Những năm cuối của thập niên 60 là thời gian tên tuổi Lam Phương nổi như cồn tại Nam Việt Nam và mang đến cho ông một cuộc sống đầy đủ hơn. Tuy nhiên, để nói về độ thành công vượt bậc, phải kể đến năm 1970, ông viết “Thành phố buồn”, nhạc sỹ Lam Phương có kể lại: “Năm 1970, tôi theo Ban Văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên “Thành phố buồn”. Sau khi về Sài Gòn, Lam Phương đem xuất bản bài hát và lập tức một “hiện tượng” về âm nhạc với số tiền tiền bản quyền lên đến gần 12 triệu đồng (lúc đó vàng 9999 chỉ khoảng 36.000 đồng/lượng).
Đây là con số kỉ lục cao nhất về bản quyền âm nhạc thời ấy mà nhiều năm sau cũng không nhạc sỹ nào vượt qua được. “Thành phố buồn” trở thành bản nhạc tình đắt giá nhất mọi thời đại trong một thời gian rất ngắn.

Có thể nói, tất cả những thành công ấy, Lam Phương đã đạt được bằng sự nỗ lực từng ngày không mỏi mệt, và ông đã thực sự làm được điều mà ông luôn đau đáu, đó là thành danh và có cuộc sống sung túc nhờ âm nhạc, điều mà không nhiều nhạc sỹ có thể làm được.
Ca khúc Bolero thành công nhất của Việt Nam
Chẳng phải tự nhiên mà những năm 70 thế kỉ trước, ngay từ khi ra đời, “Thành phố buồn” đã trở thành hiện tượng của thị trường âm nhạc, khắp làng xóm, vỉa hè đại lộ, trong ngõ hẻm, đài phát thanh, truyền hình, đâu cũng có giai điệu “Thành phố buồn” vang vọng.
Nhiều người cho rằng, nhạc Lam Phương có phần “dễ dãi” và đơn điệu, thậm chí là “sến”. Nhưng có lẽ, chính cái đặc điểm không cầu kỳ, phức tạp này nên nhạc của Lam Phương đã đi sâu vào tâm hồn công chúng nghe nhạc một cách rất tự nhiên, dễ dàng, trở thành một hình thức văn chương truyền khẩu mang đầy tính nhạc.
Ca khúc gắn liền với tên tuổi của rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, mà đầu tiên là được giới thiệu bởi đoàn kịch Túy Hồng, những giai điệu buồn êm ả của Lam Phương được vang lên dìu dặt trong một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình, ngay sáng hôm sau, ca khúc lập tức nhân được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ đông đảo người nghe, thậm chí nhiều người muốn tìm mua bằng được đĩa bài “Thành phố buồn” về để nghe đi nghe lại nhiều lần.

Viết về Đà Lạt, nhưng Lam Phương không sử dụng một chữ Đà Lạt nào trong lyric. Có lẽ cái không gian say sưa nhớ nhung ấy đã trở thành không gian tâm tưởng của người nhạc sỹ, của những cảm xúc mà chẳng cần phải gọi thành tên. Mà cũng có thể, Đà Lạt chỉ là cái cớ, Lam Phương viết về Đà Lạt nhưng cũng có thể là bất cứ thành phố nào trong kí ức, có thể là Đà Lạt hay Sài Gòn, Hà Nội… hay bất cứ thành phố nào gắn với những kỉ niệm tình ái buồn thương.
Nhiều năm trôi qua, “Thành phố buồn” đã không chỉ còn là một ca khúc viết riêng cho Đà Lạt hay cho mối tình của Lam Phương, mà đã được khái quát trở thành những giai điệu của những nỗi nhớ niềm thương day dứt, mà chỉ cần vang lên, người nghe đã thấy dâng trào những niềm thương cảm vô bờ.
Sau này, ca khúc được các ca sỹ nổi tiếng như Chế Linh, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Thiên Trang, Trường Vũ… và cho đến tận bây giờ, nhiều ca sỹ trẻ cũng say sưa làm mới và hát lại “Thành phố buồn” với nhiều phiên bản khác nhau như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Jang Mi, mới đây nhất là ca sỹ Lan Anh hát với âm hưởng thính phòng bán cổ điển.