***
Khi viết tiểu thuyết Ngọa Hổ Tàng Long, nhà văn Vương Độ Lư không nhắc đến môn phái Võ Đang.
Nhưng khi chuyển thể bộ phim điện ảnh, Lý An đã dụng công để toàn bộ câu chuyện xoay quanh môn phái võ thuật nổi tiếng nhất Trung Hoa ấy.
Đó cũng là cách đạo diễn Lý An mang đến một Ngọa Hổ Tàng Long vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, với những tinh hoa nhất của mảnh đất này, là võ thuật, là âm nhạc, là thiên nhiên đẹp như truyền thuyết lay động lòng người, là những cao thủ võ lâm đi đến đỉnh cao của Võ học, của Đạo học, nhưng vẫn không thoát khỏi chữ Tình…
Trong phim, Lý Mộ Bạch là một trong những Nhất đại tông sư của môn phái Võ Đang. Hay là đến cuối cùng, Ngọc Kiều Long cũng buông tay người đàn ông mình yêu, mà gieo mình vào những đám mây quanh đỉnh núi huyền thoại của Trung Quốc, để tìm cho mình một ước mộng tự do, hòa mình vào thiên nhiên như tư tưởng Đạo giáo ngàn đời.
Hơn 20 năm trôi qua, Ngọa Hổ Tàng Long vẫn là kiệt tác võ hiệp kinh điển của điện ảnh Hoa ngữ, niềm tự hào của Châu Á. Bằng những cách làm phim mang tính tiên phong gây sững sờ cho tất cả, Lý An đã đặt một dấu ấn đĩnh đạc của người châu Á trên đấu trường điện ảnh quốc tế, về một Á Đông hào kiệt bí ẩn như “Long, Hổ ẩn mình” dưới chân núi Võ Đang.

“Võ thuật Trung Hoa không đơn thuần là đánh đấm”
Ngọa Hổ Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) là bộ phim kiếm hiệp pha màu tình ái của đạo diễn Đài Loan Lý An. Phim ra mắt khán giả năm 2000, dựa theo nguyên tác tiểu thuyết võ hiệp cùng tên của nhà văn Vương Độ Lư.
Ngọa Hổ Tàng Long là câu chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh, kể về hai câu chuyện tình nhuốm màu truyền thuyết xoay quanh thanh Lục Mệnh Thần Kiếm. Đó là mối tình lặng yên nhưng đầy sâu nặng giữa Lý Mộ Bạch (Châu Nhuận Phát) và Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh), hay là tình yêu dữ dội, bất chấp tất cả để đến được với nhau giữa Ngọc Kiều Long (Chương Tử Di) và La Tiểu Hổ (Trương Chấn).


Thuộc thế hệ thứ 6 của điện ảnh Hoa ngữ, trước Ngọa Hổ Tàng Long, Lý An nổi tiếng với một số phim như Hỷ Yến, Ẩm Thực Nam Nữ, Sense and Sensibility, hay Ride with the Devil… tất cả đều không mang màu sắc kiếm hiệp. Trước Lý An, các phim võ thuật Trung Quốc thường tập trung vào các đòn thế Kung-fu hay các cảnh giao tranh quyết liệt của các ngôi sao hành động như Lý Liên Kiệt, Thành Long… với nội dung đơn giản và ít tính tự sự nội tâm.
Nhưng Lý An muốn một cuộc chơi mới. Ông muốn những màn trình diễn võ thuật phải mang tầm ý niệm chứ không đơn thuần là đánh đấm, để truyền tải khát vọng tự do của người dân Trung Quốc sau một giai đoạn bị kìm kẹp về văn hóa. Mà ở đó, có cái tự sự của mỗi con người cụ thể với những ẩn ức không nói thành lời, được đặt trong một không gian tự nhiên rộng lớn.
Lý An nói: “Tôi đã bẻ cong thể loại. Đó là một thử thách khó khăn. Bạn đặt câu hỏi mình muốn làm phim đánh đấm hay tâm lý chính kịch. Còn tôi, tôi muốn làm tất cả… Bạn phải liều lĩnh, bất chấp. Đó là công việc của tôi”.
Lý An chọn Võ Đang, môn phái võ thuật nổi tiếng nhất Trung Hoa với triết lý “lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh” để quảng bá cho bạn bè quốc tế. Đây có lẽ cũng là những tinh túy đặc trưng cho căn tính Á Đông khiến phương Tây nể trọng, mà Lý An, một đạo diễn được coi là đứng giữa phương Tây và phương Đông, sớm nhận ra.
Khi bắt tay vào thực hiện Ngọa Hổ Tàng Long, Lý An đã nói rằng: “Võ thuật Trung Hoa không đơn thuần là đánh đấm. Đó là lối sống, triết học và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Tôi rất muốn truyền tải những tinh thần ấy vào bộ phim của mình”.

Và đúng như thế, võ thuật trong Ngọa Hổ Tàng Long không đơn thuần chỉ là những cảnh hành động, mà hơn thế nữa, còn thể hiện cả triết lý nhân sinh, là những ý niệm vô cùng sâu sắc, là cái “vô vi” hòa nhập với tự nhiên của Đạo giáo. Các diễn viên không chỉ giao chiến, mà còn thể hiện cả tư tưởng, đạo lý, và văn hóa Trung Hoa.
Điều khó hơn cả là 3 trong 4 diễn viên chính của phim, là Chương Tử Di, Trương Chấn, và cả Châu Nhuận Phát đều không phải diễn viên hành động chuyên nghiệp, đây thực sự là điều khó cho chỉ đạo võ thuật Viên Hòa Bình. Chưa kể, đạo diễn Lý An còn yêu cầu các diễn viên “diễn mà như không”, phải thể hiện đúng phong thái ung dung tự tại của những cao thủ võ lâm khí chất thượng thừa.
Rất nhiều những cảnh quay với kỹ thuật “Wire fu” (Kỹ thuật dùng dây và ròng rọc để hỗ trợ diễn viên trong các cảnh võ thuật bay lượn) đã được thực hiện. Các kỹ thuật viên và giám đốc hình ảnh cũng mất hàng tháng trời để thực hiện các phần hậu kì để có được nhưng phân cảnh võ thuật đẹp mắt kinh điển như cảnh đánh nhau trong rừng trúc, cảnh Ngọc Kiều Long đấu kiếm với Du Tú Liên, những màn khinh công trên mái nhà… thậm chí, trong lúc thực hiện bộ phim, Châu Nhuận Phát cùng Dương Tử Quỳnh đều gặp những sự cố và chấn thương, Chương Tử Di khi đó còn là một diễn viên trẻ 20 tuổi, đã bật khóc vì sợ hãi trên trường quay.
Tuy nhiên cuối cùng, sau 5 tháng quay ròng rã tại khắp các tỉnh của Trung Quốc, bộ phim đã hoàn thành với những cảnh quay “vô tiền khoáng hậu” chưa từng thấy trước đó, trở thành kiệt tác võ thuật tự hào nhất của Lý An cũng như của điện ảnh Hoa ngữ.

Giấc mộng mang tên “Châu Á”
Ngày 13/3 vừa qua, Oscar lần thứ 95 lần đầu tiên gọi tên Dương Tử Quỳnh, nữ minh tinh Malaysia nay đã bước qua tuổi 60 ở hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất. Vậy là giấc mơ chinh phục tường thành danh giá nhất Hollywood của Du Tú Liên năm xưa, nay đã thành hiện thực.
Đây có lẽ cũng là giấc mơ của Lý An với Ngọa Hổ Tàng Long ngày nào, giấc mơ về một nền điện ảnh châu Á đàng hoàng sánh bước với các nước phương Tây, mà đạo diễn họ Lý đã đặt những viên gạch đầu tiên.
Với Ngọa Hổ Tàng Long, Dương Tử Quỳnh từng chia sẻ với Entertainment Weekly, cô hoàn toàn tin tưởng vào Lý An. “Tôi không cần xem kịch bản. Chỉ cần cho tôi biết thời gian. Và tôi đã đợi anh ấy 2 năm theo đúng nghĩa đen. Tôi không làm một bộ phim nào khác để chờ đợi bộ phim”.
Sẽ không ngoa nếu so sánh Lý An như “Steven Spielberg của châu Á”, vị đạo diễn nhạy bén, thức thời có sự cân bằng tuyệt vời giữa nghệ thuật và thương mại. Ở thời điểm ra mắt Ngọa Hổ Tàng Long năm 2000, màu sắc huyền bí và kỳ ảo, pha lẫn hành động đẹp mắt là dấu ấn gây sững sờ cho khán giả Hollywood. Bộ phim thực sự là một ý niệm Trung Hoa được thể hiện với tinh thần mới mẻ của phương Tây, một điều mà có lẽ ngoài Lý An, không ai có thể làm tốt hơn ở thời điểm đó.

Thành công của Ngọa Hổ Tàng Long mở ra một thời kỳ mới cho dòng phim võ thuật Hoa ngữ, tạo tiền đề cho hàng loạt những bộ phim võ hiệp mang đậm màu sắc Trung Hoa, được đầu tư hoành tráng và công phu, với kinh phí lớn như: Anh hùng, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu, Vô cực của Trần Khải Ca, hay Dạ yến của Phùng Tiểu Cương… gây ấn tượng mạnh mẽ và tạo ra dấu ấn của điện ảnh Hoa ngữ trên chính trường Quốc tế.
Không chỉ có vậy, bộ phim còn xóa nhòa đi ranh giới của ba khu vực Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, với sự tham gia của dàn diễn viên đa quốc gia như Châu Nhuận Phát, Trịnh Phối Phối từ Hồng Kông, Dương Tử Quỳnh từ Malaysia, Chương Tử Di từ Trung Quốc Đại lục, hay Trương Chấn từ Đài Loan… một bộ phim mang tính chất kết nối bước ngoặt.
Ca khúc chính trong bộ phim “A Love Before Time” do nữ ca sỹ Đài Loan Coco Lee thể hiện, nội dung về một tình yêu vĩnh cửu vượt thời gian, với phần phối khí đậm chất Á Đông, cũng được đánh giá là một trong những bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại.
Ngay từ khi ra mắt, Ngọa Hổ Tàng Long đã trở thành một hiện tượng của châu Á, nhận 10 đề cử và chiến thẳng 4 giải Oscar lần thứ 73, trở trành là bộ phim tiếng Quan thoại có doanh thu cao nhất mọi thời đại với hơn 200 triệu USD. Phim trở thành tác phẩm kiếm hiệp thành công nhất cả về mặt nghệ thuật và thương mại, trở thành kinh điển của lịch sử điện ảnh Hoa ngữ. Ngọa Hổ Tàng Long cũng mở ra một cách làm phim kiếm hiệp hoàn toàn khác biệt của Lý An, góp phần đưa điện ảnh Hoa ngữ và các diễn viên như Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di trở thành những ngôi sao quốc tế.