***
Gần 80 mùa xuân cuộc đời, giữa những hàng loạt các trào lưu âm nhạc vẫn dần dần thay thế nhau, Trần Tiến vẫn ở đó, bình thản vững vàng như một cánh rừng già xù xì gai góc, khi thâm trầm, khi rạo rực. Âm nhạc với ông không chỉ là giai điệu, không chỉ là lời ca, mà còn là bao nhiêu cuộc đời và năm tháng chìm vào trong đó…
Nỗi buồn hiện sinh giữa cuộc đời…
Nhạc Trần Tiến, có vui có buồn, như cuộc đời buồn vui chưa bao giờ ngừng biến đổi. Nhưng cho dù thăng hay trầm, người nghệ sỹ ấy vẫn bình thản hào hoa mà chiêm nghiệm, rồi chắt chiu thành những nốt nhạc bay lên.
Như là mới đây nhất, trong một lần trả lời phỏng vấn, Trần Tiến vẫn ôm đàn guitar tếu táo nói rằng, ở tuổi nào thì ông vẫn cứ viết nhạc và “nếu có chết, tôi nguyện được chết bên cây đàn như cao bồi chết trên lưng ngựa”.
Cuộc đời Trần Tiến sinh ra trong chiến tranh, đi qua những năm tháng khói lửa đau thương nhất, rồi nghèo, rồi đói. Gần 80 năm cuộc đời, người nghệ sỹ ấy đi qua cả những suy tàn và những sụp đổ, những khởi nguồn và cả những thay thế mà những người thuộc thế hệ của ông phải chứng kiến. Âm nhạc cũng hình thành trong ông từ tất cả những ngặt nghèo ấy.
“Thực ra tôi sinh ra từ một nhà giàu, do thời thế mà trắng tay. Tôi bị vứt vào đường phố, không du côn, du thủ, du thực là may. Để một ngày thoát khỏi nghề cửu vạn theo một đoàn văn công mà hóa kiếp du ca” – Trần Tiến lúc nào cũng hào sảng như thế.
Sáng tác nhiều bài hát với những nốt nhạc trầm buồn, da diết, nhưng Trần Tiến khi chia sẻ với khán giả đã thú nhận ông “rất hay sợ buồn”. Ông thích niềm vui và quý trọng niềm vui. Nhạc vui của Trần Tiến là không khí của đời sống lao động cần lao, là những con người dù khó khăn vẫn lấp lánh tình yêu và niềm vui sống. Là những giai điệu từ những đơn giản thật thà mà vang lên: “Mùa xuân nói với em câu gì, mà sao mắt em vui thế?“, hay những mộc mạc bình dị “phố núi nghèo như bàn tay, nhà bên kia vẫy nhà bên này…”
Còn nhạc buồn của ông lại đậm màu chiêm nghiệm. Với những trăn trở của một trí thức với nỗi buồn nhân sinh. Là cái day dứt đôi khi lạc lõng giữa dòng chảy cuộc đời luôn không ngừng luôn vận động, một nỗi suy tư đẹp đầy năng lượng và tình yêu, của một người đàn ông với đầy đủ sự sáng suốt và nhạy cảm với cuộc đời. Một nỗi buồn đượm màu nhân sinh.

Ngay từ những sáng tác trong giai đoạn đầu của mình, như Giai điệu tổ quốc, Đôi mắt mang hình viên đạn hay Chiếc vòng cầu hôn… không như nhiều thanh niên trí thức Hà Thành thời ấy với những nỗi buồn lâm li sang trọng, những cuộc tình đỏm dáng, Trần Tiến đã chọn cho mình một con đường sáng tạo với đôi chân luôn chạm đất, ông mang vào sáng tác của mình tất cả những điều mắt thấy tai nghe, những điều trái tim cảm nhận được, làm nên một chất nhạc đượm màu hiện sinh giữa cuộc đời.
“Tháp Rùa ơi có nhớ bạn tôi hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường…”
Nhạc của ông là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa mồ hôi, khói bụi và sự lãng mạn hào hoa. Âm nhạc trong ông không phải là ánh đèn sân khấu, không phải những bộ cánh đẹp đẽ, mà là những nẻo đường, những vùng đất, những khu phố nghèo, những phận đời, là mẹ, là cây bàng trước ngõ, là mùa đông cha ngồi uống rượu… từ những nhỏ bé bình dị ấy, âm nhạc của Trần Tiến vút bay lên:
“Phải ráng sống gần như người vùng đất đó, cảm xúc và vui buồn, hạnh phúc, đắng cay như họ. May ra mới hiểu được phần nào. Hiểu thôi, không phải để viết. Muốn viết thì phải bay lên. Viết cái người ta biết thì viết làm gì. Sáng tác là hát lên giấc mơ của đời sống. Giấc mơ nhiều người chưa biết, hoặc biết mà chưa ai hát lên”.
Cho nên, nghe nhạc Trần Tiến mỗi khi lòng đau, lại thấy như được trở về.

“Để nói đúng nhất về con người mình, có lẽ là “phiêu bạt”
Trần Tiến không tìm cách định nghĩa mình trong âm nhạc, cảm xúc với ông như một dòng chảy và sáng tác là nhu cầu để kể ra những câu chuyện mà mình cần phải kể. Mà như ông và những người ở thời ông, người ta gọi là “du ca”, còn thời nay, chúng ta gọi là “indie”, những nghệ sỹ hoàn toàn tự do trong sáng tạo.
“Trong máu tôi, nó có tất cả những điều ấy rồi. Nhưng để nói đúng nhất về con người mình, có lẽ là “phiêu bạt”. Nhà tôi từng giàu thứ 6 ở Hà Nội, rồi cuộc đời đẩy đưa, tôi lao ra ngoài kiếm tiền để phụ mẹ nuôi em. Rồi tôi đi lính, lang thang hết nơi này đến nơi khác. Du ca cũng thế. Phiêu bạt chính là cuộc đời tôi dù tôi không chọn điều ấy” – Ông nói
Không cần cố gắng, ông mang tới âm nhạc Việt Nam một sắc màu nam tính hào sảng hiếm có, vì nó cũng chính là con người của Trần Tiến, ngang tàng ngạo nghễ, thỉnh thoảng tếu táo bông đùa nhưng đầy day dứt, đôi khi tưởng cười cợt đấy, mà đau.
“Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơi
Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè…”
Trần Tiến buồn nhiều, vui cũng nhiều. Ông viết ballad, jazz, nhưng cũng viết cả disco, bossanova, rock, rồi dân gian đương đại, và nhạc phật giáo… ông cũng viết nhạc đặt hàng, viết nhạc để kiếm tiền, nhưng ở bất cứ góc nào, cũng thấy ở Trần Tiến cái “thật”, cái tha thiết với cuộc đời, cái suy tư của một nghệ sỹ cảm nhận được quá nhiều những buồn vui của thực tại:
“Bình nguyên thiết tha, đời ta quen với rừng hoang.
Nửa đêm phố xa, chợt nhớ ánh trăng quê nhà
Bình nguyên thiết tha, đời ta quen mái nhà xưa
Bàn chân đã đi mà sao trái tim quay về…”

Trần Tiến không phải là số 1, ông chưa bao giờ nhận mình là số 1, cũng không muốn nhận bất cứ một danh hiệu nào cho riêng mình. Có thể, một ngày nào đó, trong những biến cố không thể lường trước của lịch sử, những ca khúc của ông trở nên lỗi thời, những bản nhạc của ông sẽ bị những trào lưu mới hơn làm cho quên lãng, nhưng cái tinh thần âm nhạc phóng khoáng và tử tế của Trần Tiến, cũng như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn, hay nhiều nghệ sỹ khác nữa, sẽ không có điều gì thay thế được, dù có trải qua bao nhiêu thời đại.
Giờ đây, ở cái tuổi gần 80, đối diện với tuổi già, đôi khi phải chứng kiến những người bạn văn nghệ của mình đã nằm xuống, đôi khi phải chứng kiến những ồn ào không đáng có trong những câu chuyện về nghệ thuật, Trần Tiến lặng lẽ hơn trong âm nhạc, ông viết nhiều hơn, nhưng phần lớn dành cho mình, viết trong trạng thái mà như ông nói, là không biết mình có thể viết hay hơn được nữa không. Với ông, mỗi ca khúc vẫn là một mùa xuân của đời người.
“Sợ chết. Tôi sợ chết nên phải chiến đấu để dành lại sự sống. Ngày xưa có nhà thơ vĩ đại Nga là Esenin, có câu nói vĩ đại: “Sống không có gì mới, và chết cũng không có gì mới hơn”. Nhưng tôi nghĩ. Sống vẫn tốt hơn chứ. Tất nhiên phải sống khỏe và vui. Và nhất là sống, phải thấy mình hạnh phúc. Nếu sống không hạnh phúc, thì chết chẳng có gì đáng buồn, đáng để nhỏ nước mắt” – ông chia sẻ cùng báo chí.

Nhưng, dù ở tuổi nào, Trần Tiến vẫn mãi là một Trần Tiến thôi, một người con của Hà Nội nhiều trăn trở, một người tình luôn tha thiết trong âm nhạc, một đứa trẻ vẫn du ca và vẫn luôn hoài nhớ về mái nhà cũ, và một nghệ sỹ mang tấm lòng mình ra mà hòa vào với cuộc đời, một trái tim luôn tràn đầy tình yêu và tin tưởng:
“Lịch sử mãi mãi chứng minh, một xã hội có bao nhiêu người mất đi nhân phẩm, thì có bấy nhiêu người sẽ giữ lại được những nhân phẩm đã mất đó, họ mới là những người sau này lấy lại nhân phẩm cho cuộc đời. Một khu rừng tưởng đã cháy rồi, đừng có lo, thế nào cũng có những mầm xanh rất bé nhỏ đang nấp kín ở đâu đó, một ngày những mầm đó mọc lại, rồi thành rừng, rồi thành đại ngàn. Thế giới này không phải mãi mãi tàn lụi đâu. Tôi nghĩ âm nhạc Việt Nam cũng vậy”.