—
Chúng ta đang sống trong một xã hội ít cổ vũ những giá trị bên trong (intrinsic values), mà phần lớn theo đuổi những giá trị bên ngoài (extrinsic) và vật chất. Điều đó có thể khiến bạn gặp nhiều căng thẳng và trầm cảm hơn.
“Càng quan tâm đến vật chất và sự hào nhoáng bên ngoài, những mối quan hệ quanh bạn càng ngắn ngủi.” Chủ nghĩa vật chất khiến bạn khốn khổ hoài trong một thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Rằng bạn thiếu món này để chăm tập thể dục hơn, thiếu món kia để kết nối nhanh hơn, cần cái nọ cái kia để hạnh phúc hơn, có giá trị hơn. Bạn quan tâm người ta đánh giá mình như thế nào qua những thứ mà bạn sở hữu.
Một xã hội ngập chìm trong quảng cáo. Và không có quảng cáo nào nói bạn đủ rồi cả, bạn luôn phải có cái này cái nọ mới vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, chính lối sống độc lập, tách biệt như hiện nay khiến con người mất đi cảm giác an toàn sâu bên trong bản năng và trở nên cô đơn hơn. Hãy thử đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người bạn có thể sẵn sàng chia sẻ khi gặp khủng hoảng hay những điều không tốt đẹp xảy đến với mình?”
Cô đơn không hẳn là thiếu vắng hơi người một cách vật lý, mà đó là cảm giác bạn không thể chia sẻ những điều có ý nghĩa với một ai khác. Bạn chết chìm trong suy nghĩ: Không ai giúp được bạn ngoài chính bạn. Bạn phải biết tự chăm lo cho bạn, người khác cũng nên tự chăm lo cho họ.
À, nhưng mất người xung quanh mình thì đã sao, lên facebook là có tới vài nghìn bạn bè cơ mà. Ám ảnh Internet là một trong những cách thoát khỏi căng thẳng nhờ mất tập trung. Mọi người có bạn bè trên Internet để thay thế cho hàng xóm của họ. Tuy nhiên, dường như mỗi status đăng lên mang một thông điệp ngầm duy nhất: ai đó làm ơn công nhận (acknowledge) tôi đi!

Lost Connections (Mất kết nối) – Johann Hari: Chứng trầm cảm, lo âu và những điều bị lãng quên
(Dành cho những ai đang loay hoay với chứng trầm cảm – căn bệnh của thời đại 4.0)
Khái niệm và các triệu chứng của rối loạn trầm cảm đang dần ngày càng trở nên quen thuộc hơn trong xã hội hiện đại, đặc biệt là khi internet và các mạng xã hội trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta có cái nhìn đúng đắn hay tích cực về căn bệnh này. Vẫn còn đâu đó có người nghĩ rằng, trầm cảm là một chứng bệnh của những tính cách yếu đuối, của những cơn buồn bã nhất thời, của những tưởng tượng của tuổi vị thành niên hướng nội, Thực tế thì, căn bệnh này ảnh hưởng đến 264 triệu người trên thế giới, và dần được công nhận là một vấn đề y khoa, giống như bệnh tim hoặc tiểu đường.
Chắc hẳn rằng, không ít lần bạn tự hỏi: “Tại sao ngày càng có nhiều người trở nên trầm cảm – trong một thời đại mà nếu xét về mặt vật chất, chúng ta đang ở đỉnh cao chưa từng có trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại và tiện nghi cuộc sống giúp chúng ta dễ dàng kết nối với nhau hơn bao giờ hết? Phải chăng những giá trị mà xã hội và chính chúng ta đang vẽ ra không thực sự đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất của chính mình? Phải chăng trên con đường tiến hóa, con người đã quên đi những điều thật sự làm mình hạnh phúc?”. Và bạn đã tìm được câu trả lời chưa?
Những viên thuốc điều trị trầm cảm liệu có hiệu quả?
Nếu trước kia sự can thiệp cho căn bệnh chỉ là vài lời khuyên tùy tiện kiểu như “hãy vui lên nào”, “hãy suy nghĩ tích cực”, hay thậm chí là thái độ kỳ thị xem bệnh trạng như biểu hiện tâm lý đặc thù của một giai cấp thị dân nhàn rỗi, khuynh hướng điều trị chiếm ưu thế hiện nay lại mang đầy ảo tưởng về những viên thuốc “thần” có thể giải quyết mọi vấn đề của tâm lý.
Khuynh hướng này không chỉ đơn giản là âm mưu thương mại của những tập đoàn dược phẩm toàn cầu mà nó còn phát xuất từ sự lười biếng trong nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân, khi chúng ta thèm khát sự dễ dãi của việc uống vài viên thuốc mỗi ngày thay vì đánh giá lại cuộc sống hằng ngày.

Lost connections – Mất kết nối và 9 nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm
Trước khi đưa ra những giải pháp hữu hiệu về căn bệnh thời đại này, Johann Hari đã lên tiếng đặt lại vấn đề nguyên nhân của chứng bệnh trầm cảm với hướng tiếp cận sinh thái cũng như bằng trải nghiệm trực tiếp. Trong sách Mất kết nối: Khám phá các Nguyên nhân thực của Trầm cảm và các Giải pháp bất ngờ [Lost Connections: Uncovering the Real Causes of Depression – and the Unexpected Solutions], Johann Hari không chỉ giới hạn việc nghiên cứu về đề tài này thông qua việc tham khảo các tài liệu y khoa từ nhiều giác độ khác nhau mà còn gặp gỡ trực tiếp thảo luận với các nhà khoa học tâm lý và tâm thần cũng như các bệnh nhân trầm cảm để hoàn tất cuốn sách của mình.
Nói tới hướng tiếp cận sinh thái, đã từ lâu các sách giáo khoa và chương trình đào tạo Tâm lý học ở Mỹ đều nhắc đến mô hình tâm lý – xã hội – sinh học. Việc ứng dụng mô hình này có nghĩa là một hiện tượng, đề cập ở đây là bệnh trầm cảm, cần được đánh giá toàn diện để nhận diện không chỉ các nguyên nhân mà còn cả các tiếp cận điều trị dựa trên tất cả các yếu tố ấy. Ở một mức độ giới hạn hơn, cộng đồng khoa học chính thống cũng đã từ lâu nhắc đến các yếu tố môi trường khi cho rằng có hai loại trầm cảm: “trầm cảm nội sinh” (endogenous depression) do những rối loạn ở não hoặc cơ thể và “trầm cảm phản ứng” (reactive depression) do hậu quả từ sự trải nghiệm những biến cố khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân của một cá nhân.

Thế nhưng lâu nay dường như những yếu tố tạo điều kiện cho chứng trầm cảm phản ứng luôn bị giới chuyên môn xem nhẹ. Mở đầu cho cuốn sách của mình, Johann Hari đã nhắc đến sự giới hạn này và nhắc đến nghiên cứu năm 1978 của George Brown, chuyên gia Xã hội học Y tế, và Tirril Harris, chuyên gia Tâm lý học Xã hội. Hai nhà nghiên cứu này đã phát hiện nguy cơ trầm cảm có thể cao hơn nhiều khi một người gặp phải một sự kiện tiêu cực nghiêm trọng chồng lên những điều căng thẳng và bất an kéo dài trong cuộc sống.
Nguy cơ mắc trầm cảm của sự kết hợp đó tương tự như một phản ứng tỏa nhiệt trong hóa học; nó không chỉ là phép cộng mà là sự bùng nổ của rối loạn trầm cảm. Môi trường chúng ta sống mới chính là khởi đầu của những nguy cơ của chứng rối loạn tâm trạng đáng sợ này, đặc biệt khi chúng ta đánh mất sự kết nối với chúng.