Cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, “ông hoàng nhạc Jazz” Nat King Cole với sự lịch thiệp và sang trọng, hay Frank Sinatra nồng nàn và quyến rũ, cùng hoàng loạt các tên tuổi lừng lẫy thế giới như Ella Fitzgerald, Eric Clapton, Lara Fabian, Diana Krall, Eva Cassidy… đã đưa tên tuổi của bản nhạc tình Autumn Leaves trở nên nối tiếng khắp nơi trên toàn thế giới. Thậm chí có người còn cho rằng, nếu Besame Mucho và La Paloma được coi là hai ca khúc lãng mạn nhất thế giới, thì vị trí thứ 3 chắc chắn phải thuộc về Autumn Leaves.
Tuy nhiên, có lẽ có khá ít người được biết rằng, Autumn Leaves vốn chỉ là một bài hát được chuyển thể từ một ca khúc nhạc Pháp có trước đó hơn một thập kỷ có tựa đề Les Feuilles Mortes (Tiếng Việt nghĩa là “Những chiếc lá chết”). Và đặc biệt hơn nữa, Les Feuilles Mortes vẫn tồn tại bền bỉ và độc lập, song hành cùng Autumn Leaves gần một thế kỷ qua, với những giá trị và tầm ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.

Những chiếc lá không bao giờ chết
Nhưng sang đến năm 1950, Les Feuilles Mortes tình cờ đến với Michael Goldsen, người phụ trách bộ phận xuất bản âm nhạc của hãng đĩa danh tiếng nước Mỹ là Capitol. Đây được coi như “bước ngoặt định mệnh” mang tính “hồi sinh” cho bản nhạc. Với thẩm mỹ và thị hiếu tinh nhạy, Goldsen đã đưa ca khúc cho Johnny Mercer chuyển sang lời tiếng Anh với mục đích phổ biến ca khúc trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, John đã không có nhiều sự quan tâm cho những giai điệu của Kosma, nhiều tháng sau đó, John đã quên bẵng đi mất công việc mà Goldsen giao phó. Cho đến những ngày cuối cùng của thời hạn xuất bản, trong sự hối thúc, Johhny đã có sự “bứt phá ngọan mục”. Nhạc sỹ tài năng đã hoàn thành phần lời ca trong một thời gian rất ngắn trên chuyến tàu đến New Jork để gặp Goldsen. Người phụ trách hãng đĩa Capitol hồi tưởng lại: “Chúng tôi lên tàu, và khi Johny đọc lời ca khúc cho tôi, nước mắt tôi đã trào ra”
Johnny Mercer đã “rút gọn” phần lời ca từ bài thơ của Jacques Prévert, ông chỉ sử dụng một đoạn ngắn từ điệp khúc với những hình ảnh gợi tả đẹp nhất, và phát triển ca khúc với phong cách Jazz pha lẫn với màu sắc Pop ballad buồn chơi vơi phù hợp với thị hiếu của nước Mỹ thập niên 50, 60. Những nhà sản xuất âm nhạc nước Mỹ đã chọn một cái tên đơn giản cho ca khúc: Autumn Leaves. Trong vòng một thập kỷ sau đó, Autumn Leaves thành công vang dội trên toàn nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, hàng loạt các tên tuổi lừng lẫy nhất thế giới đã thu âm lại ca khúc như: Nat King Cole, Edit Piaf, bản Autumn Leaves do nghệ sĩ Roger Williams trở thành bản nhạc dương cầm bán chạy nhất mọi thời đại… Johnny Mercer đã từng chia sẻ, ông kiếm được tiền bản quyền từ Autumn Leaves nhiều hơn tất cả các bài hát trong cuộc đời ông cộng lại.

Và cũng từ đây, bản nhạc gốc Les Feuilles Mortes được người nghe tìm lại nhiều hơn. Năm 1955, Tino Rossi thu âm Les Feuilles mortes cho nhãn đĩa Pathé Marconi và trở thành phiên bản kinh điển, được yêu thích nhất mọi thời đại cho đến tận bây giờ. Những bản thu âm đầu tiên của Yves Montand cũng không ngừng được tìm lại, và liên tục được so sánh với bản của Tino Rossi.
Trong vòng gần 80 năm qua, qua nhiều thăng trầm, cả hai phiên bản Les Feuilles Mortes và Autumn Leaves vẫn liên tục được các nghệ sỹ danh tiếng nhất trên thế giới như Frank Sinatra, Andy Williams, hay Eva Cassidy… thu âm lại, và trở thành bản “jazz standard” – một những bản nhạc quan trọng nhất trong lịch sử nhạc jazz, là chuẩn mực để các nghệ sĩ jazz về sau học hỏi, phát triển.
Khi du nhập vào Việt Nam, ca khúc được nhiều nhạc sỹ tên tuổi nhất của Việt Nam phổ lời Việt, trong đó đáng kể nhất phải kể đến “tứ đại danh tác” trong làng nhạc việt Nam là Phạm Duy, Lữ Liên, Y Vân, và một tác giả danh tiếng của Sài Gòn trước 1975. Và đặc biệt, ở mỗi phiên bản, các nhạc sỹ lại có những dấu ấn sáng tạo riêng biệt, cho thấy sức truyền cảm và lan tỏa của Les Feuilles Mortes là vô cùng mạnh mẽ.
Theo hồi tưởng của những người thuộc thế hệ đàn xưa ở Sài Gòn, những người quan tâm đến văn nghệ hoặc văn hóa Pháp vào những thập niên 40, 50, thì bản Les Feuilles Mortes của Tino Rossi khi ấy được coi là một hiện tượng, đến nỗi hầu như các thanh niên thành thị thời đó đều thuộc lòng lời bài hát, tức bài thơ tình buồn của Jacques Prévert. Thậm chí có giai thoại kể rằng, các chàng trai Sài Gòn khi ấy, phải biết huýt sáo phần “intro” bản nhạc tình lãng mạn này thì mới được xem là người sành điệu.

“Mãi mỉm cười và cám ơn cuộc đời này”
Mặc dù được viết vào những năm 40, 50 của thế kỷ trước tại Pháp, khi đất nước này vừa bước ra khỏi chiến tranh, và bắt đầu vào giai đoạn hậu chiến với đầy những đổ vỡ. Nhưng Les Feuilles Mortes lại mang đầy dáng dấp của sự bình yên và tha thứ.
Jacques Prévert, một người đi đầu trong phong trào hiện thực thơ ca, đã thể hiện tài năng kiệt xuất khi đưa những lời thơ tuyệt đẹp vào giai điệu của Kosma, mà không hề bị sa đà vào những ngôn từ sướt mướt hay ảo não thường gặp. Mà tất cả chỉ là những hình ảnh tươi đẹp và hạnh phúc nhất, như một phần đời đáng nhớ mà ta đã đi qua: “Thuở ấy, cuộc đời đẹp hơn, và ánh nắng cũng nóng bỏng hơn bây giờ…”. Để rồi cho dù cuộc đời có xóa đi tất cả, thì ta vẫn “mãi mỉm cười và cảm ơn cuộc đời này”…
Và thú vị thay, trong cả hai phiên bản của Johnny Mercer và Jacques Prévert, đều không có bất cứ từ “mùa thu” nào. Cho nên nhiều năm sau này, Les Feuilles Mortes không chỉ còn là ca khúc viết cho mùa thu, viết cho một mối tình tan vỡ, mà vượt ra ngoài khuôn khổ những xúc cảm ban đầu, Les Feuilles Mortes trở thành ca khúc viết cho cuộc đời với những dấu ấn đậm chất hiện sinh, những cảm xúc chân thật và đầy nhân văn.

Từ đầu đến cuối, trong lời ca không hề có lấy một lời trách móc, mà chỉ là một cái nhìn về quá khứ có chút bang khuâng nhưng không u sầu ảm đạm, mà đầy bình thản và yêu thương. Dù vui dù buồn, thì những kí ức ấy vẫn luôn thật đẹp và đáng trân trọng. Cùng với những giai điệu êm đềm, những chiếc lá vàng trở nên ngập tràn hi vọng, về những tiếp nối cho những khởi đầu mới, tất cả như những giai điệu xoa dịu đi mọi buồn đau đã qua.
Và cho đến tận bây giờ, giai điệu và hình ảnh về những chiếc lá mùa thu ấy vẫn không ngừng sống trong lòng người yêu nhạc, như những chiếc lá vẫn mãi dịu dàng xanh tươi suốt bốn mùa.