—
Cuộc đời nghe nhạc của tôi có lẽ bắt đầu bằng những cuốn băng hình (lậu) của Sài Gòn hoặc hải ngoại, trong đó là Bảo Yến Nhã Phương ca bolero hay rock Phượng Hoàng, Tuấn Vũ Hương Lan hát Hoa Sứ Nhà Nàng, Giọt Lệ Đài Trang, hay Randy tỉ tê “thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ”, Mỹ Huyền hát Sao chưa thấy hồi âm…
Thành phố Hải Phòng những năm 90 được tiếp cận và tiêu thụ một lượng băng đĩa lậu khổng lồ sớm nhất và nhiều nhất cả nước từ hải ngoại, trong đó có nhạc Việt từ Hoa kỳ và phim bộ Hồng Kông.

Nhà nội tôi có giai đoạn làm băng hình, cả bố mẹ và các cô chú. Những cuộn băng nhựa với sợi băng đen mỏng dính, cái máy tua quay tay cành cạch từ bên nọ sang bên kia là những kí ức không thể phai mờ trong tâm trí tôi.
Nhạc hải ngoại ngấm vào tôi từ rất sớm, một cách thụ động từ bố mẹ cô dì chú bác. Từ hồi 4, 5 tuổi khi chưa biết mặt chữ tôi đã hát karaoke làu làu bản Hoa Mười Giờ “Hôm chia tay chiều chủ nhật…”, mà đến giờ không nhớ bản gốc là của ai hát (Phượng Mai?).
Hay series Mưa Bụi sến không thể sến hơn làm mưa làm gió thị trường trong nước, cứ ra bản nào tôi thuộc làu bản đó :)))). Nhạc trong nước khi đó mọi người ít chuộng, nổi lên có Minh Thuận Nhật Hào, hay các bà các cô thường bật cải lương của Ngọc Huyền má lúm đồng tiền ngọt ngào..
Âm nhạc thời đó chủ yếu đến từ Làng Văn, Đêm Sài Gòn của Dạ Lan (sau này là Asia), trung tâm Thanh Lan, và tất nhiên, là Thúy Nga (nhưng chưa chiếm thị phần lớn như bây giờ). Các bản nhạc hầu như được phối style Disco, Chachacha, Bolero, và SlowRock (thực ra 20 năm sau mình mới phân biệt được điều này
Ngày ấy thanh niên Hải Phòng đặc biệt mê Linda Trang Đài môi cong bốc lửa, Elvis Phương, Công Thành và Lin, Mai Lệ Huyền, dòng nhạc “mùi” đánh dấu thời kì hoàng kim của Hương Lan Tuấn Vũ, Chế Linh, Ngọc Lan, Thanh Tuyền, Giao Linh nữ hoàng sầu muộn, hay giọng ca vàng mười Lệ Thu… rồi Như Quỳnh xuất hiện với Người Tình Mùa Đông như một nữ thần và ngự trị cho đến tận bây giờ (hồi ấy mình nghe đến nhàm tai câu các bác trai nói “đời chỉ cần hôn Như Quỳnh một lần thôi chết cũng cam lòng”, haha).
Thật lạ là thời đó các giọng ca như Thái Thanh, Ý Lan, Khánh Hà hay Tuấn Ngọc, kể cả Khánh Ly, hầu như không được ưa chuộng mấy ở Hải Phòng (quá văn minh so với tâm hồn sến súa của các giang hồ đất Cảng chăng? :))))

Tôi mất vài năm để bước qua giai đoạn nghe nhạc thụ động để bắt đầu biết chọn nghe những bản nhạc mình thích vào những năm cấp 2, từ những băng casette của bố. Hồi đó tôi mê Tô Chấn Phong với Tình Nồng và Một Thuở Yêu Người, với bản phối và một kĩ thuật thâu âm của Hoa Kỳ mà đến giờ mãi mãi không thể hay được như thế. Một thứ âm nhạc lịch lãm và nồng nàn, rất manly. Tôi cũng nghe Trịnh qua giọng ca của Ngọc Lan nhưng chán rất nhanh :))), bản nhạc duy nhất còn đọng lại là Môi Hồng Đào nhưng do Trịnh Vĩnh Trinh hát, không phải vì hay mà vì bố tôi kể đó là bản nhạc gắn với kỉ niệm tình yêu những tối mùa đông của bố và mẹ. Có lẽ thế, những bản nhạc gắn với một câu chuyện kỉ niệm thì sẽ mãi mãi không thể quên, đôi khi trở thành một phần đời, mà chỉ cần thoáng nghe lại thôi cũng thấy bồi hồi xúc động dâng tràn.
Như mọi thanh niên Việt Nam nông nổi hồ đồ dễ lôi kéo khác, lên cấp 3 tôi bắt đầu chết chìm với Làn Sóng Xanh. Thời kì hoàng kim của Pop Việt mà không ai có thể bỏ qua dấu ấn của nó. Đan Trường, Cẩm Ly, Lam Trường, Phương Thanh, Thu Phương, Bằng Kiều, Tuấn Hưng, muộn hơn chút có thêm Mỹ Tâm, Quang Dũng… trăm hoa đua nở đua sắc.
Một thời đại của các MV sơ khai nhất của nhạc Việt với sự thành công của VTV bài hát tôi yêu. Tôi cũng nghe trớt quớt nhạc của 4 chị Diva nhưng không thấy đồng cảm. Thời ấy tôi đặc biệt thích một band hát Accapella là AC&M. Và tự thấy mình “sang” hơn bọn cùng tuổi còn đang rên rỉ Ưng Hoàng Phúc với Thu Thủy, HKT…

Tôi bắt đầu lờ mờ có những quan niệm đầu tiên về nhạc sang và nhạc hàng chợ, rồi tự ảo là mình xịn kiểu hàn lâm =)))))
Cũng giống như bất kì các quan điểm tư tưởng thẩm mỹ nào đã tiếp nhận trong đời mình, tôi mất vài năm đầu tiên của tuổi trẻ để thu nạp và cố thể hiện rằng mình có gout, đíp, sâu suk, tinh tế… (aka đại loại kiểu xịn ấy), rồi sau đó lại mất rất nhiều năm sau này khi đã định hình rõ nét cái sở thích và thẩm mỹ cá nhân, khi đã đi qua rất nhiều biến cố, để vứt bỏ và học lại từ đầu, để nhận ra rằng mọi đánh giá bên ngoài hay xếp hạng thực ra cũng chả quan trọng lắm :))))
Nhưng tôi cũng bỏ qua giai đoạn này rất nhanh, vì sớm nhận ra các nhạc sỹ Việt trong nước chưa bao giờ là đủ để chạm tới và xoa dịu cái tâm hồn drama và đầy bất ổn của mình.
Rồi những cơn thất tình của tuổi trẻ đẩy tôi đến nhanh hơn với những bản nhạc sầu thảm của Vũ Thành An, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng… cái âm nhạc mà cho đến giờ tôi vẫn coi là chân ái đời mình, nâng đỡ mình mỗi lần chìm dưới đáy vực sâu…
(còn tiếp)