Garcia Marquez và chuyện tình vĩ đại trên dòng Magdalena…

Tình yêu của Florentino Ariza và Fermina Daza kéo dài suốt hơn… "năm mươi ba năm bảy tháng mười một ngày và đêm", từ tuổi thanh xuân cho đến khi cái chết đã đến gần kề...

***

Gabriel Garcia Marquez là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của thế kỉ XX, ông được trao giải thưởng quốc tế Neustadt vào năm 1972 về văn học và giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1982, ông thậm chí được mệnh danh là “người Colombia vĩ đại nhất từng sống” cho đến tận bây giờ.

Nhà văn Garcia Marquez

Mặc dù được biết đến là tác giả luôn theo đuổi chủ nghĩa hiện thực huyền diệu, nhưng với mỗi tác phẩm của mình, Marquez luôn cố gắng để tìm ra một lối đi mới, một con đường mới để khai thác, do đó, dường như các sáng tác của ông đều không tuân theo bất kỳ khuôn mẫu và một phong cách định sẵn nào.

Tình yêu thời thổ tả (Love in the Time of Cholera, tên gốc tiếng Tây Ban Nha: El amor en los tiempos del cólera) là một trong những cuốn tiểu thuyết lãng mạn hư cấu về tình yêu nổi tiếng nhất của Marquez xuất bản năm 1985. Cuốn sách được dựng thành phim vào năm 2007 do nam diễn viên nổi tiếng người Tây Ban Nha Javier Bardem và nữ diễn viên người Ý Jacanna Mezzogiorno thủ vai.

Lấy bối cảnh khoảng nửa thế kỷ từ 1880 đến 1930, tại một thành phố cảng không tên gần Biển Caribbean và Sông Magdalena, Tình yêu thời thổ tả là câu chuyện về mối tình bị ngăn cấm và chia cách của hai nhân vật chính là Florentino Ariza và Fermina Daza, câu chuyện tình yêu của họ kéo dài suốt hơn… “Năm mươi ba năm bảy tháng mười một ngày và đêm”, từ tuổi thanh xuân đẹp đẽ cho đến khi họ bước qua tuổi 70, khi cái chết đã đến gần kề.

“Tình yêu thời thổ tả” là một trong những cuốn tiểu thuyết lãng mạn hư cấu về tình yêu nổi tiếng nhất của Marquez xuất bản năm 1985

Và trong hơn 50 năm đó, họ đã vượt qua tất cả những khởi đầu và những kết thúc, những sự sống và những cái chết, những chán chường tuyệt vọng bên cạnh ánh sáng nhiệm màu của đức tin, những sa ngã hư hỏng và cả những lý tưởng về một tình yêu thiêng liêng bất diệt qua năm tháng. Để rồi cuối cùng họ vẫn tìm lại được nhau, như một chương cuối cùng mang màu sắc ấm áp vui tươi trong bản trường ca tình yêu đầy cuồng nộ mà không kém phần đau thương, đơn độc.

Garcia Márquez kể lại rằng, Tình yêu thời thổ tả được ông viết dựa trên câu chuyện tình có thật từ chính cha mẹ ông, dược sỹ Gabriel Eligio García và bà Luisa Santiaga Márquez Iguarán. Thời thanh niên, hai người đã gặp nhau và yêu nhau bất chấp sự ngăn cấm của Đại tá Gabriel Eligio Garcia, người mà sau này trở thành ông ngoại của Garcia Marquez, vì cho rằng Gabriel không xứng với con gái mình.

Nhiều năm sau này, Garcia Marquez đã tái hiện lại gần như toàn bộ giai đoạn phải lòng, tán tỉnh và yêu đương nồng nhiệt của cha mẹ mình cho hai nhân vật chính trong Tình yêu thời thổ tả, với những những bản hòa tấu violin trong vườn cây xanh mướt, những bài thơ tình, vô số thư và những tin nhắn tràn ngập lãng mạn. “Sự khác biệt duy nhất là họ (cha mẹ tôi) đã kết hôn. Và ngay khi họ kết hôn, họ không còn thú vị như những nhân vật văn học.” – Garcia Márquez chia sẻ.

Câu chuyện tình yêu của Florentino và Fermina ở giai đoạn cuối cùng khi về già, cũng được Marquez lấy ý tưởng từ một câu chuyện ông đọc được trên báo, về hai người già ngoài 80 tuổi ở Mỹ, dù đã kết hôn với những người khác, nhưng hàng năm, họ vẫn gặp nhau ở Acapulco (một thành phố ở Mexico), nhưng sau đó đôi tình nhân đã bị sát hại bằng mái chèo của mình. Câu chuyện đã ám ảnh Marquez, và sau này, ông đã để hai nhân vật Florentino và Fermina sống những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình trên chiếc thuyền treo cờ vàng của bệnh dịch tả, trôi vô định theo dòng Magdalena.
Ngay từ khi xuất hiện, Tình yêu thời thổ tả đã được tạp chí New York Times đánh giá đây là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, “Cùng với Romeo và Juliette của đại văn hào Anh W.Shakespears, đây là câu chuyện tình lớn nhất cho đến nay được kể ra”.

Tác phẩm có mặt trong danh sách 100 tác phẩm văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha xuất sắc nhất theo bình chọn của tạp chí Semana của Colombia năm 2007, là một trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thập kỷ 80, và thậm chí còn được nhiều độc giả ở nhiều nơi trên thế giới đánh giá là quyến rũ và ám ảnh hơn cả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong cuộc đời Garcia Márquez là Trăm năm cô đơn.

Sau khi ra đời, một số nhà phê bình cho rằng, Tình yêu thời thổ tả là một câu chuyện tình yêu được lãng mạn hóa một cách đơn điệu và quen thuộc, với motif truyền thống về một “cuộc tình tay ba” nhuốm màu nhục dục. Tuy nhiên, chính Garcia Marquez đã nói trong một cuộc phỏng vấn, rằng: “Bạn phải cẩn thận để không rơi vào cái bẫy mà tôi đã đặt ra trong tác phẩm.

 Cuốn sách được dựng thành phim vào năm 2007

Tình yêu thời thổ tả dường như đã được phần lớn độc giả nhìn nhận là một câu chuyện tình yêu có hậu, một bù đắp xứng đáng, dù ngắn ngủi, cho cả hai nhân vật chính, một thiên tình ca lãng mạn ca ngợi tình yêu bất biến của con người qua năm tháng.

Tuy nhiên, phải nhìn sâu vào sau cách viết vừa thản nhiên vừa thâm trầm, có phần giễu nhại của Garcia Marquez, mới có thể nhận ra được các ẩn ý tầng tầng lớp lớp được đan cài trong các mâu thuẫn và đối lập từ chính nội tâm của các nhân vật, và từ những “phản đề” mạnh mẽ trong những mối quan hệ tưởng chừng như đã được sắp xếp hoàn hảo ấy.

Đó là một Florentino Ariza với những lý tưởng về một tình yêu bất diệt, một thứ tình yêu trong sáng và vô nhiễm vẫn luôn tìm cách trở lại với anh sau tất cả những dịch bệnh, đói khổ, những cuộc tình tội lỗi và cả những cô độc, ăn năn. Marquez đã phủ lên Florentino một sức mạnh và niềm tin vào tình yêu một cách gần như là phi lý, một sự lãng mạn “thái quá” sau những nhớp nhúa và bế tắc của cái thành phố cảng đang giãy giụa vì dịch tả, hay những định kiến về địa vị xã hội và vòng xoay tiền bạc, danh vọng.

Người đàn ông ấy đã sống một cuộc đời phóng túng trong cô độc, 622 mối tình với 622 người đàn bà, nhưng dường như càng trốn chạy thì Florentino lại càng trống rỗng và u sầu, càng nhận thêm thì càng mất thêm. Sau này, nhà phê bình Keith Booker thậm chí đã so sánh Florentino như một Humbert Humbert (nhân vật trong tác phẩm Lolita của Vladimir Nabokov) thứ hai, vừa đáng thương, vừa đáng giận.

Hay là cuộc hôn nhân tưởng chừng như hoàn hảo của Fermina với bác sỹ Urbino, một đại trí thức với những cống hiến lớn lao cho khoa học, người mà Fermina đã lựa chọn như một sự “an toàn và khôn ngoan” cho cuộc đời mình, nhưng đến cuối đời, ông đã thú nhận sự không chung thủy của mình khi đã từng giấu diếm Fermina để ngoại tình với một phụ nữ khác. Dường như những hạnh phúc mà họ tưởng như đang nắm chặt trong tay, cho đến cuối cùng vẫn chỉ là ảo ảnh.

Vai Ferrmina do nữ diễn viên người Ý Jacanna Mezzogiorno thủ vai

Với Tình yêu thời thổ tả, Garcia Marquez như muốn dựng lên hai tầng nghĩa song song, vừa đối lập, vừa lý giải cho nhau. Là hành trình của những con người cô độc, yếu đuối muốn thoát ra khỏi thực tại bế tắc, họ buộc phải bám víu vào quá khứ tươi đẹp làm lẽ sống và tồn tại từng ngày. Hay là câu chuyện về những kẻ mộng mơ si tình, cả cuộc đời chỉ tin vào một tình yêu lý tưởng làm chân ái vĩnh cửu, như một câu chuyện cổ tích giữa những tháng năm vô định của đời người. Giống như cái cách mà Garcia Marquez luôn đặt câu chuyện đối xứng giữa cán cân của “lý tưởng” và “đồi trụy”, để dẫn dắt người đọc đi từ hoài nghi, cảm thông, đến xót xa, day dứt.

Để cho đến cuối cùng, ngay cả khi họ đã có thể bỏ lại sau lưng tất cả, để bước chân lên con thuyền treo lá cờ vàng của những người bị bệnh dịch tả như một cách trốn chạy thực tại, khi đã tìm được tình yêu của cuộc đời mình, thì họ vẫn không ngừng đau đớn và bất an, không biết mình phải đi đâu, về đâu?

Florentino và Fermina tìm thấy nhau vào những năm tháng cuối đời

Trải qua 35 năm, câu chuyện tình yêu của Florentino và Fermina có thể đã không còn mang nhiều tính thực tế, khi mà con người đang ngày càng trở nên mất niềm tin vào tình yêu và những điều lãng mạn. Tuy nhiên, những xúc cảm thuộc về tầng sâu nhất của tâm hồn, những trăn trở của con người trong cái xã hội đầy định kiến và bất an ấy dường như đã trở thành bất tử trong trái tim người đọc ở bất cứ thời đại nào.

“Như đôi vợ chồng già từng bị cuộc đời từng giội nước sôi vào, họ lặng lẽ sống với thời gian đang trôi qua, họ đã vượt xa mọi cạm bẫy của lòng đam mê, vượt xa mọi tiếng cười độc địa của niềm tin và ảo ảnh do những bài học sống đem lại, vượt xa cả tình yêu. Bởi họ sống gần nhau với thời gian tương đối đủ để hiểu rằng tình yêu là tình yêu ở mọi lúc và mọi nơi, nhưng khi càng mặn nồng bao nhiêu thì nó càng gần cái chết bấy nhiêu.”

Related Stories

spot_img

Discover

“Chúng ta đang điều hành chương trình tin tức, không phải rạp xiếc”

"Ngay bây giờ, có cả một thế hệ không bao giờ biết một thứ gì khác ngoài những gì được phát sóng... Truyền hình có thể trở thành thế lực đáng gờm nhất. Và bất hạnh thay nếu nó rơi vào tay người xấu” - Edward Beale nói trong một trường đoạn dài như một cơn thịnh nộ trên sóng truyền hình trực tiếp.

Sâu trong đôi mắt màu lục bảo…

"Chỉ là Cillian – bản thân cậu ấy vốn đã tự mang ánh sáng!"

Cần bao nhiêu IQ cho một cuộc đời hạnh phúc?

“Số phận của chúng ta chỉ được xác định bởi cách chúng ta đối phó với các yếu tố may rủi trong cuộc sống của mình và đó là hiện thân của chiếc lông vũ khi nó xuất hiện…”.

Lý Tiểu Long và điện ảnh võ thuật

Lý Tiểu Long là người châu Á đầu tiên đại diện cho hình tượng nam tử hán ngạo nghễ, phá vỡ đi hình ảnh một “Đông Á bệnh phu”, với những nhân vật kiểu gian manh hay hoạn quan, hay những người châu Á tóc dài ẻo lả trên màn ảnh.

“Vì chết là hoàn toàn biến mất, không thể chạy về mỗi khi con cần…

Cuối cùng, bà Ae Soon dạy cho con trai biết về cái chết, như một sự rời xa vĩnh viễn, cho cậu biết sự thực là “không có thiên đường nào cả!”...

Nhìn thẳng vào những sai lầm…

Sau tất cả, điều khiến Demi Moore trở thành một biểu tượng không chỉ nằm ở vẻ đẹp hay tài năng diễn xuất, mà còn ở sự kiên cường và khả năng tái sinh...

Người viết tình ca giữa bộn bề thế kỉ

"Lam Phương không phải người có ưu thế viết lời ca, nhưng ông giữ sự trung thực, không cố viết những lời làm ra mới mẻ, nhưng tựu trung chẳng có ý nghĩa gì như một số người đã làm" - Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận định.

Ngọa Hổ, Tàng Long: Có gì bên dưới núi Võ Đang?

Ngoạ Hồ Tàng Long mang đến một ý niệm Trung Hoa được thể hiện với tinh thần mới mẻ của phương Tây, một điều mà có lẽ ngoài Lý An, không ai có thể làm tốt hơn ở thời điểm đó.

‘Nhạc Lâm Ngũ Bá’: Phạm Duy có xứng đáng là Vương Trùng Dương? Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, ai ‘quái’ hơn ai?

Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, trong giang hồ và trong cả âm nhạc, ai tài hơn ai, ai "độc", ai "quái" hơn ai?

Huyền thoại mùa thu: Huyền thoại về sự sụp đổ

Huyền Thoại Mùa Thu là sự đan cài của những vòng tròn của những bắt đầu và kết thúc, của quy luật nhân – quả kì lạ của số phận....

Popular Categories