Em còn nhớ hay em đã quên, một Sài Gòn vẫn sống thiết tha…

Sài Gòn trong Trịnh Công Sơn như một điều gì đó thân thương lắm, như ruột thịt, như quê hương thứ hai, nơi bình yên nương náu để mà mỗi khi mỏi mệt, ông lại mong mỏi tìm về...

Mùa hè năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi vào giấc ngủ thiên thu tại Sài Gòn trong vòng tay của hàng ngàn bạn bè và người thân. Giữa mảnh đất phương Nam với bao gương mặt quen, người nhạc sĩ ấy đã nằm xuống, ru một giấc ngủ cuối cùng về nơi vĩnh hằng.

Sài Gòn, cái tên thân thuộc xuất hiện trong sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh không nhiều, Sài Gòn cũng không khiến nhạc sĩ đau đáu nặng lòng như Huế hay Đà Lạt, Nha Trang. Nhưng cảm tưởng, Sài Gòn trong Trịnh Công Sơn như một điều gì đó thân thương lắm, như ruột thịt, như quê hương thứ hai, nơi bình yên nương náu để mà mỗi khi mỏi mệt, ông lại mong mỏi tìm về.

“Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng”

Nếu như Huế là một khung trời của kí ức trong tâm tưởng, của những xúc cảm tuổi thanh xuân thơ mộng, hay Đà Lạt là mối duyên nợ của tình yêu và những ước vọng say đắm cuồng nhiệt.

Thì Sài Gòn, nơi ông dừng chân lâu nhất, vẫn mãi mãi như một tri kỉ, với những tâm giao thấu hiểu luôn đong đầy trong tâm hồn và âm nhạc của Trịnh Công Sơn, cái thành phố mà, dù qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, vẫn đầy ắp nghĩa tình hào sảng, như nhạc sĩ họ Trịnh đã viết trong ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên bất hủ của mình: “Thành phố vẫn có những giấc mơ, vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi…”. Cái thành phố mà, chỉ cần một tấm lòng, dù chỉ là để gió cuốn đi!

Năm 1981, Trịnh Công Sơn trở lại Sài Gòn (khi này đã đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh), và làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, cho tạp chí Sóng nhạc. Ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên được Trịnh Công Sơn viết trong giai đoạn này, với những xúc cảm mới mẻ sau những năm tháng học tập chính trị và một vài những biến cố lớn trong cuộc đời. Ca khúc được ca sĩ Khánh Ly (khi đó đã sang hải ngoại) thâu âm lần đầu tiên trong CD “Bông hồng cho người ngã ngựa”, phát hành cùng năm 1981.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thời trẻ

Ca sỹ Khánh Ly kể lại: “Đầu tiên là tôi nhận được bài Em còn nhớ hay em đã quên từ một người Việt khác chép lại rồi gửi cho tôi. Sau đó, tôi tìm được một cuốn băng cát xét của Thanh Hải (bạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quê Quy Nhơn), trong đó ông ấy hát một số bài mới của Trịnh Công Sơn rất hay, và tôi tập hát theo cuốn băng đó, chứ tôi không được ông Trịnh Công Sơn gửi cho và cũng không được ông dạy hát.

Và cũng như mọi ca khúc của Trịnh Công Sơn khác, qua giọng ca Khánh Ly, trở nên đầy hoài vọng và suy tưởng, vừa như thực vừa như mơ, được khán giả khắp trong ngoài nước yêu thích. Sau này có rất nhiều ca sĩ thể hiện lại ca khúc này như Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, Hồng Nhung, Mỹ Tâm… nhưng không ai vượt qua được giọng ca Khánh Ly.

Về nhân vật “Em” được nhạc sĩ nhắc đến trong bài, nữ danh ca nói thêm: “Nhiều người cứ nói bài Em còn nhớ hay em đã quên ông Trịnh Công Sơn viết cho tôi, nhưng chắc không phải mà là ông ấy viết cho mọi người, vì lúc ấy đâu phải mỗi mình tôi đi xa quê hương. Theo tôi, nhạc phẩm đó, ông Sơn viết cho tất cả mọi người xa nhà, xa quê chứ không phải cho tôi mà nếu nhận ông Sơn viết bài đó cho riêng tôi thì thật sự không nên.”

“Em còn nhớ hay em đã quên” do danh ca Khánh Ly thể hiện

Ca khúc được viết năm 1982, sau sự kiện 1975 với bao “kẻ ở người đi”. Trong tâm tư của những những người rời xa Sài Gòn năm đó, như Bích Diễm, như Dao Ánh, như Khánh Ly… là nỗi nhớ khôn nguôi bất tận. Và Em còn nhớ hay em đã quên cũng chính là những xúc cảm được viết nên bằng âm nhạc mà người nhạc sĩ dành tặng tất cả những người đã rời xa Sài Gòn dấu yêu, những người phải rời xa quê hương xứ sở.

Đó là những giai điệu như những vần thơ ngọt ngào trong trẻo về những kí ức của một Sài Gòn những năm tháng cũ, với vòm lá me xanh, những con sông nối bao dòng kinh, ly chè thơm, những quán đêm với những con đò chở nắng mưa đi… những hình ảnh có lẽ sẽ không thể mờ phai trong tâm tưởng của một lớp những người Sài Gòn xưa vẫn mãi khắc khoải về quá vãng.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly

Năm 1992, vì xúc cảm với những tình khúc và cuộc đời của Trịnh Công Sơn, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã viết kịch bản và trực tiếp thực hiện bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên, với sự tham gia của diễn viên Lê Công Tuấn Anh (vai nhạc sỹ Quang Sơn – nguyên mẫu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Hoàng Hồng Nhị (Vai Huyền My), Trương Ngọc Ánh (vai Diễm)… dù có nhiều thay đổi so với những sự kiện có thực trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, thì bộ phim cũng mang lại rất nhiều xúc cảm mạnh mẽ cho tất cả những người yêu nhạc Trịnh cho đến tận bây giờ.

Phim giành chiến thắng lớn về thương mại, nhận được giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng) và các giải thưởng Biên kịch, Âm nhạc và Diễn viên nam chính xuất sắc nhất tại LHP lần thứ 11.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh hóa thân thành nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”

“Cũng vì cứ sống mãi với những điều lặt vặt, nhỏ nhắn như thế mà rốt cùng rồi chẳng muốn đi đâu

Mặc dù cho đến nay, chính Trịnh Công Sơn cũng chưa từng một lần lên tiếng về nhân vật nữ chính trong bài, ông không trực tiếp nhắc đến bóng hồng nào trong ca khúc, nhưng sau này, vào năm 1991, chính Trịnh Công Sơn đã chép tay ca khúc để gửi cho Dao Ánh, khi đó đang ở Mỹ. Sau đó vài tháng, sau khi phát hành tuyển tập Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn cũng có thư gửi Dao Ánh, với đoạn viết về diện mạo của đường phố Sài Gòn cách đây 20 năm với những kí ức không thể nào nguôi quên trong tâm tưởng.

Trong bức thư của mình, nhạc sỹ họ Trịnh viết:

Dao Ánh thân mến, Sài Gòn dạo này thay đổi nhiều, nhất là về việc xây dựng nhà cửa. Có những con đường ở các quận trung tâm chỉ cần một vài tháng không đi qua khi tình cờ trở lại đã không thể nhận ra đâu là căn nhà quen cũ của mình. Người ta xây cất nhà hoặc sửa mới lại để cho thuê hoặc làm mini hotel. Quán xá cũng mọc lên ào ạt (…) Với anh và một vài người bạn, không còn nơi nào dễ sống hơn ở đây nữa. Đã quen với từng centimet của đời sống này và có một bầu không khí riêng để thở và đã có đủ niềm vui nho nhỏ từng ngày mà không cần mơ ước gì thêm (…) Cũng vì cứ sống mãi với những điều lặt vặt, nhỏ nhắn như thế mà rốt cùng rồi chẳng muốn đi đâu.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong ngày hội ngộ

Về hành trình âm nhạc của mình, Trịnh đã từng nói: “Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Và trên hành trình ấy, là Huế, là Sài Gòn, là Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang… mỗi vùng đất ông ghé chân đều như thành tri kỉ, mỗi thành phố lại như lưu giữ giúp ông một phần của kí ức, như những toa tàu trên chuyến tàu của số phận. Mà trong đó, như một định mệnh, Sài Gòn trở thành toa cuối cùng, nơi người nhạc sĩ du ca nằm lại chiêm nghiệm giấc mơ cuối cùng: “Có hai mùa vẫn đi về, có con đường nằm nghe nắng mưa…”, “Dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh…

Sài Gòn với ông, cũng như Dao Ánh, như Khánh Ly… những người tình đã cho ông những xúc cảm không thể phai mờ, dù đã cách xa bao nhiêu không gian và thời gian.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người căm ghét chiến tranh. Cái chán ghét của một tâm hồn nghệ sỹ luôn đau đáu trước phận người, của một trái tim đầy nhạy cảm và nhân từ trước số phận của đồng loại.

Điều này thể hiện rõ nét và nhất quán trong mọi tác phẩm của Trịnh, từ nhạc Phản chiến (Dòng nhạc Da vàng), đến cả nhạc Tình, nhạc Quê hương… ở bất cứ tác phẩm nào, trong giai đoạn nào, vẫn thấy Trịnh Công Sơn thể hiện niềm thiết tha với con người, với thân phận, ông luôn ám ảnh về sự chia lìa, về cái chết, và về quá khứ. Không ít lần, Trịnh tìm cách trốn tránh cái đại sự lớn lao của chính trị, để tìm về với những “tiểu tự sự” khiêm nhường của một trái tim mong manh.

Để rồi cho đến tận cùng của nỗi cô đơn, người nhạc sỹ đa sầu đa cảm vẫn phải thốt lên câu hỏi đầy day dứt: “Em còn nhớ hay em đã quên?”.

Giờ đây, sau 40 năm ca khúc ra đời, và 20 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, thì câu hỏi đó dường như đã không còn là câu hỏi dành cho bất cứ một người tình hay một bóng giai nhân nào, mà là câu hỏi dành cho tất cả một lớp người Sài Gòn đã cũ, những người đã từng đi qua và yêu thương thành phố này, liệu ai còn ai mất, ai nhớ ai quên?

Related Stories

spot_img

Discover

“Chúng ta đang điều hành chương trình tin tức, không phải rạp xiếc”

"Ngay bây giờ, có cả một thế hệ không bao giờ biết một thứ gì khác ngoài những gì được phát sóng... Truyền hình có thể trở thành thế lực đáng gờm nhất. Và bất hạnh thay nếu nó rơi vào tay người xấu” - Edward Beale nói trong một trường đoạn dài như một cơn thịnh nộ trên sóng truyền hình trực tiếp.

Sâu trong đôi mắt màu lục bảo…

"Chỉ là Cillian – bản thân cậu ấy vốn đã tự mang ánh sáng!"

Cần bao nhiêu IQ cho một cuộc đời hạnh phúc?

“Số phận của chúng ta chỉ được xác định bởi cách chúng ta đối phó với các yếu tố may rủi trong cuộc sống của mình và đó là hiện thân của chiếc lông vũ khi nó xuất hiện…”.

Lý Tiểu Long và điện ảnh võ thuật

Lý Tiểu Long là người châu Á đầu tiên đại diện cho hình tượng nam tử hán ngạo nghễ, phá vỡ đi hình ảnh một “Đông Á bệnh phu”, với những nhân vật kiểu gian manh hay hoạn quan, hay những người châu Á tóc dài ẻo lả trên màn ảnh.

“Vì chết là hoàn toàn biến mất, không thể chạy về mỗi khi con cần…

Cuối cùng, bà Ae Soon dạy cho con trai biết về cái chết, như một sự rời xa vĩnh viễn, cho cậu biết sự thực là “không có thiên đường nào cả!”...

Nhìn thẳng vào những sai lầm…

Sau tất cả, điều khiến Demi Moore trở thành một biểu tượng không chỉ nằm ở vẻ đẹp hay tài năng diễn xuất, mà còn ở sự kiên cường và khả năng tái sinh...

Người viết tình ca giữa bộn bề thế kỉ

"Lam Phương không phải người có ưu thế viết lời ca, nhưng ông giữ sự trung thực, không cố viết những lời làm ra mới mẻ, nhưng tựu trung chẳng có ý nghĩa gì như một số người đã làm" - Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận định.

Ngọa Hổ, Tàng Long: Có gì bên dưới núi Võ Đang?

Ngoạ Hồ Tàng Long mang đến một ý niệm Trung Hoa được thể hiện với tinh thần mới mẻ của phương Tây, một điều mà có lẽ ngoài Lý An, không ai có thể làm tốt hơn ở thời điểm đó.

‘Nhạc Lâm Ngũ Bá’: Phạm Duy có xứng đáng là Vương Trùng Dương? Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, ai ‘quái’ hơn ai?

Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, trong giang hồ và trong cả âm nhạc, ai tài hơn ai, ai "độc", ai "quái" hơn ai?

Huyền thoại mùa thu: Huyền thoại về sự sụp đổ

Huyền Thoại Mùa Thu là sự đan cài của những vòng tròn của những bắt đầu và kết thúc, của quy luật nhân – quả kì lạ của số phận....

Popular Categories