***
Trái với những thông tin được mong đợi từ trước đó nhiều năm khi công bố phim, năm 1994, ngay từ những ngày đầu công chiếu, Đông Tà Tây Độc (Tên gốc là Ashes of Time) bị xếp vào một trong những phim thảm bại nhất về doanh thu phòng vé. Hàng loạt khán giả quay lưng dù phim quy tụ được dàn diễn viên “tinh hoa” nhất thời bấy giờ của Hồng Kông như Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vĩ, Lương Gia Huy, Lâm Thanh Hà, Trương Học Hữu, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh… thậm chí bị nhà văn Kim Dung lên tiếng chê bai vì thay đổi quá nhiều so với nguyên tác.
Nhưng, tựa như viên ngọc quý vùi sau lớp đất đá, càng ngày, những giá trị nghệ thuật và triết lý mà Vương Gia Vệ gửi gắm trong Đông Tà Tây Độc càng dần được khai phá và nhìn nhận một cách đích đáng. Bộ phim trở thành một trong những tác phẩm được tìm xem lại nhiều lần, với sức ảnh hưởng dần lan toả khắp châu Á và thế giới, có sức ảnh hưởng bậc nhất của điện ảnh Hồng Kông, và là một trong 100 bộ phim Hoa ngữ kinh điển xuất sắc nhất mọi thời đại.
Cho đến nay, dù qua bao đổi thay của xu hướng điện ảnh, thì Đông Tà Tây Độc vẫn được khán giả khắp nơi trên thế giới nhắc nhớ với một niềm ngưỡng mộ khôn nguôi…
Sự kết hợp của Kim Dung, Trương Ái Linh, và Vương Gia Vệ
Sản xuất năm 1994, Đông Tà Tây Độc là bộ phim thứ ba Vương Gia Vệ làm đạo diễn, sau As Tears Go By (1988) và A Phi chính truyện (1990). Trước đó, A Phi chính truyện của họ Vương giành được giải Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1991 đã làm nên tên tuổi một Vương Gia Vệ gắn với những thước phim đậm chất điện ảnh, chậm rãi, hoa mỹ, nhiều suy tưởng và hầu như rất ít hành động.
Ý đồ của Vương Gia Vệ là áp dụng đủ ba yếu tố: võ hiệp, Kim Dung và những minh tinh nổi tiếng nhất của Hong Kông lúc bấy giờ để làm một bộ phim kiếm hiệp mang đúng phong cách riêng biệt của họ Vương.
Nhưng sau đó, sau nhiều lần thảo luận, Vương Gia Vệ đã quyết định kết hợp phim với tiểu thuyết Bán sinh duyên của Trương Ái Linh, một trong những tác phẩm ăn khách lúc bấy giờ về tình yêu. Và Đông Tà Tây Độc đã ra đời như thế, khai thác yếu tố tình yêu sâu thẳm trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung, là những tầng sâu nhất của con người đằng sau những gươm đao và những trận võ lâm tranh bá.
Ông tâm sự: “Tôi chọn hai nhân vật Âu Dương Phong và Hoàng Dược Sư vì sự tương phản tính cách. Tôi cố gắng bước ra khỏi lề lối cổ điển của tiểu thuyết võ hiệp, vì muốn nhìn thấy những anh hùng đó khi họ còn là con người bình thường, là chính họ“.

Khi đó, cũng có không ít những hoài nghi vì Vương Gia Vệ không phải đạo diễn chắc tay của dòng phim này. Rất nhiều những phỏng đoán, và cả con số đầu tư 40 triệu HKD (~118 tỷ VNĐ), một con số đầu tư khổng lồ vào thời điểm đó khiến nhiều khán giả phải “bán tìn bán nghi”.
Và kết quả đã trả lời, Đông Tà, Tây Độc của Vương Gia Vệ khi ra mắt đã khiến khán giả đi từ ngạc nhiên sững sờ, tới… bất bình. Một cú “chơi lớn” của vị đạo diễn nổi tiếng này khi cả bộ phim hầu như không còn một chút bóng dáng của Kim Dung ngoài những cái tên. Đạo diễn họ Vương đã dùng cách của riêng mình để vẽ nên một câu chuyện về Đông Tà, Tây Độc hoàn toàn xa lạ, những cảnh hành động gần như bị lược bỏ, thay vào đó là những câu chuyện tình ám ảnh từ quá khứ – hiện tại – tương lai đan cài lẫn nhau.
Sau này Vương Gia Vệ cho biết, phong cách tường thuật không theo tuyến thời gian này ông lấy cảm hứng từ tác phẩm The Buenos Aires Affair của tác giả Manuel Puig, phong cách này được ông sử dụng từ A Phi chính truyện, và kéo dài đến tất cả các phim sau này của mình.

Lại nói về Đông Tà, Tây Độc, trong vòng một năm đầu công chiếu, dù nhận được Giải Kim Mã và nhiều giải thưởng danh giá khác, nhưng bộ phim vẫn gần như bị ghẻ lạnh từ chính khán giả nội địa. Một phần cho rằng phim nặng tính nghệ thuật gây khó hiểu và quá mơ hồ với người xem. Một phần lên án phim đã làm hỏng hình ảnh của những “Huyền thoại Võ lâm” kinh điển trong tác phẩm của Kim Dung, những tượng đài kinh điển đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dân Trung Quốc, khó có thể phá bỏ.
Cùng với đó, doanh thu của phim thất bại thảm hại. So với 40 triệu USD Hong Kong, thì con số 9 triệu doanh thu có thể nói là “cú đánh” choáng váng vào toàn bộ ê kíp. Đông Tà, Tây Độc trở thành bộ phim đáng tiếc nhất của Vương Gia Vệ khi bị “thất sủng” hoàn toàn trong một thời gian dài.

Nỗi cô đơn đằng sau đao kiếm
Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà đạo diễn họ Vương lại chọn cách mạo hiểm sử dụng cách làm phim đầy tính ước lệ và mơ hồ đến vậy với một “cuộc chơi điện ảnh”. Tất cả đều mang dụng ý nghệ thuật sâu sắc. Với một đề tài đã quá quen thuộc như “vũ trụ Kim Dung”, họ Vương đã muốn phá vỡ đi mọi khuôn mẫu võ hiệp truyền thống, không chỉ ở cốt truyện mà còn ở cả cách thức thể hiện. Thay vì những màn giao tranh của các cao thủ võ lâm, ông tập trung vào thế giới nội tâm của những con người cô đơn, lạc lõng, đúng “chất Vương Gia Vệ”. Những khung hình chậm rãi, những góc quay bất thường, tất cả đều mang đậm dấu ấn triết lý, khai thác sâu sắc những ý niệm sâu sắc nhất của tình yêu, sự cô đơn và nỗi day dứt trong tâm hồn con người.
Vương Gia Vệ đã tạo ra một thế giới võ hiệp vừa hư ảo vừa chân thực thông qua những khung hình đầy tính thẩm mỹ. Màu sắc trong phim được sử dụng một cách tinh tế, từ những gam màu nóng rực rỡ trong cảnh chiến đấu đến những gam màu lạnh lẽo, bi thương trong thế giới nội tâm, tất cả đều góp phần khắc họa những cảm xúc phức tạp của nhân vật. Những cú máy quay chậm, những góc quay độc đáo và những khuôn hình đầy ẩn dụ đã tạo nên một không gian nghệ thuật đầy sức gợi.
Đặc biệt, bộ phim mang đậm những “ý niệm Trung Hoa”, thấm đẫm tư tưởng triết học phương Đông. Không chỉ là những triết lý về nhân sinh quan, về lẽ sống chết, về sự vô thường của cuộc đời, mà còn là những giá trị văn hóa truyền thống được lồng ghép một cách tinh tế. Từ những chi tiết nhỏ như y phục, đạo cụ, cho đến những câu thoại mang đầy tính ẩn dụ, tất cả đều góp phần tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Trung Hoa.

Những nhân vật trong phim đều mang trong mình những nỗi đau, những mất mát và những khao khát tình yêu. Họ cô đơn, lạc lõng và luôn trăn trở về quá khứ. Tây Độc Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh) là một kẻ cô độc, khép kín và luôn tìm cách trốn tránh quá khứ. Đông Tà Hoàng Dược Sư lại là một kẻ lãng tử, phóng khoáng nhưng ẩn sâu bên trong là nỗi đau khổ vì tình yêu. Mộ Dung Yên (Lâm Thanh Hà) là một người phụ nữ phức tạp, bị giằng xé giữa hai giới tính và luôn tìm kiếm sự công nhận. Họ cứ theo đuổi mãi những bóng hình của quá khứ, tìm mọi cách trốn chạy mà không thể nguôi quên. Như câu nói của Âu Dương Phong: “Có người nói uống rượu Túy Sinh Tú Tử có thể quên hết mọi chuyện, nhưng ta uống rồi mới biết, càng không quên được!”
Bên cạnh đó, không chỉ là một câu chuyện về tình yêu và sự cô đơn, bộ phim còn là những nỗi trả – vay của phù du, danh lợi, sự vô nghĩa của hận thù. Bộ phim đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị của tình người và về sự quan trọng của việc sống thật với chính mình. Theo lời của đạo diễn Vương Gia Vệ: “Bộ phim không chỉ nói về võ thuật, mà còn nói về con người, về những khát vọng và những nỗi đau của họ. Tôi muốn khám phá những khía cạnh phức tạp của tâm hồn con người thông qua câu chuyện võ hiệp.”
Phần âm nhạc được sáng tác bởi nhạc sĩ Trần Huân Kỳ, đã góp phần tạo nên không khí ma mị, bi thương nhưng cũng đầy mãnh liệt. Sự thể hiện nhập vai như “quên đi thực tại” của dàn diễn viên tài năng như Trương Quốc Vinh, Lâm Thanh Hà, Lương Gia Huy, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc và Lưu Gia Linh … khiến bộ phim mang tính nghệ thuật cao. Qua thời gian, giá trị của bộ phim ngày càng được công nhận, và trở thành một trong những bộ phim thành công nhất của Vương Gia Vệ.


Dòng thời gian của Vương Gia Vệ
Không đứng chung với chuỗi các bộ phim về con người và xã hội Hông Kông những năm 60 như A Phi chính chuyện, Tâm Trạng Khi Yêu, Chunking Express hay 2046, nhưng Đông Tà, Tây Độc lại có vị trí riêng và sức sống bền bỉ bởi lớp lang những tầng nghĩa về cuộc đời, về thời gian và về ái tình. Bộ phim không chỉ là một câu chuyện võ hiệp, mà còn là một lời tự sự về cuộc sống, về tình yêu và về sự cô đơn của con người.
Ở đó, tất cả các nhân vật của đạo diễn Vương đều mang những số phận hay những câu chuyện đặc trưng của nhân tình thế thái, cái si tình ngốc nghếch, cái giằng xé giữa yêu và hận, những niềm yêu đau đáu nơi đáy tim mà không thể tìm lại, không thể đến gần, đó là những tầng sâu yếu đuối và tối tăm nhất của con người mà ở thời nào, xã hội nào cũng không thể chối bỏ, là nỗi ám ảnh hoang mang giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, giữa quên và nhớ.

Giống như câu nói của Hoàng Dược Sư: “Phiền não lớn nhất của con người, là ký ức. Con người thường đau khổ vì nhớ quá nhiều. Nếu có thể quên hết mọi chuyện quá khứ, thì mỗi ngày sẽ lại là một khởi đầu mới. Chẳng phải tốt hơn sao”.
Có thể thấy, phim của ông dù tồn tại ở không gian nào, Kiếm hiệp hay Hồng Kông những năm 60, hay thế giới giả tưởng những năm 2046, thì những câu chuyện ông kể lại dường như vẫn luôn tồn tại độc lập theo một chiều không gian và thời gian của riêng ông, một thế giới của những suy tưởng và ước lệ, một thế giới của riêng Vương Gia Vệ.
Năm 2008, Vương Gia Vệ quyết định làm lại Đông Tà, Tây Độc với kinh phí là 10 triệu USD, lý do của ông là muốn thực hiện bộ phim một cách tốt nhất có thể, từ những điều mà năm xưa ông chưa thực hiện được do kĩ xảo thời đó còn thô sơ. Nhưng lý do chính nhất thực sự của ông là tưởng nhớ Trường Quốc Vinh, người đã gần như trở thành linh hồn của bộ phim.
Ngay sau buổi ra mắt Đông Tà, Tây Độc phiên bản mới với tên gọi Cát bụi thời gian – Ashes Of Time: Redux, Vương Gia Vệ phát biểu: “Bộ phim cũng giống một chai vang, cần thời gian để thở; có lẽ nó thuộc về hiện tại, thay vì 14 năm về trước.”
Có những ý kiến cho rằng, rồi phong cách của Vương Gia Vệ sẽ dễ dàng bị thay thế, bởi cái nhịp độ chậm, buồn, lối làm phim duy mỹ triệt để đến khắc nghiệt của ông có lẽ không còn phù hợp với thẩm mỹ hiện đại, giống như tên của bộ phim Ashes of Time – Tro bụi của thời gian, rồi mọi thứ sẽ bị phai nhòa theo thời gian, và sẽ có cái mới phủ lấp lên nó.

Nhưng, dù là 14 năm, hay 40 năm, một thế kỷ, hay nhiều hơn nữa, thì từng nhân vật, từng thước phim của đạo diễn Vương cũng đã trở thành một nét biểu tượng về một “ý niệm điện ảnh” độc đáo duy nhất mang tên Vương Gia Vệ, mà đến nay vẫn chưa có ai có thể bắt chước hoặc vượt qua…
Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ được công chiếu đầu tiên vào tháng 9/2019 sau 2 năm sản xuất.
Ngoài giải Kim Mã năm 1994, phim đoạt giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và quay phim xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1995, ngoài ra phim còn giành giải tại Liên hoan phim Venice 1994, Liên hoan phim Venezia 1994, Phim châu Á xuất sắc nhất tại Fant-Asia Film Festiva 1997, và lọt Top 100 phim Trung Quốc xuất sắc nhất mọi thời đại tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2005. Phim được tái bản lại năm vào năm 2008 để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh nhân 6 năm ngày mất của anh (1.4.2003) và được đón nhận nồng nhiệt. |